Thương hiệu xe ô tô nội địa tại Đông Nam Á: Chỉ có Việt Nam và Malaysia

Thị trường ô tô | 17/10/2018

Thái Lan và Indonesia sẽ là 2 quốc gia đầu tiên được nhắc đến khi nói về ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á. Bởi cả 2 đều đạt sản lượng ô tô hàng năm khá cao và có sự đầu tư nhà máy của nhiều hãng xe quốc tế. Tuy nhiên, khi bàn về thương hiệu ô tô nội địa, toàn Đông Nam Á lại chỉ có Malaysia và Việt Nam có sản phẩm riêng.

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Sự khác biệt trong ngành công nghiệp ô tô giữa các nước Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á đều có những định hướng phát triển riêng cho tham vọng nội địa hóa ngành công nghiệp sản xuất ô tô của từng nước. 

Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất ô tô luôn là một trong những ngành nghề có tính phức tạp cao và khó để một nước bắt đầu phát triển độc lập từ con số không. Chính vì vậy mà sự xuất hiện của các thương hiệu ô tô nước ngoài là sự tất yếu của quá trình này.

Thái Lan hướng đến trở thành trung tâm gia công, lắp ráp ô tô

Thái Lan hướng đến trở thành trung tâm gia công, lắp ráp ô tô của Đông Nam Á

Mặc dù đều chào đón các ông lớn của ngành xe hơi thế giới, nhưng hiện tại chỉ có Thái Lan và Indonesia có ngành công nghiệp ô tô phát triển hơn cả so với các nước trong khu vực.

Trong đó, Thái Lan đang là nước sản xuất ô tô lớn nhất với tham vọng trở thành trung tâm lắp ráp xe hơi của hàng loạt hãng xe trên thế giới như Toyota, Nissan, BMW, Mercedes,… 

Chính phủ Thái Lan không chú trọng xây dựng thương hiệu xe hơi nội địa, thay vào đó là liên minh với các hãng sản xuất lớn trên thế giới, hỗ trợ sản xuất linh kiện, chào đón nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các hãng xe, nhất là các thương hiệu Nhật Bản. 

Kết quả, Thái Lan nhanh chóng trở thành nơi lắp ráp và xuất khẩu ô tô của các hãng xe danh tiếng ra các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm, sản lượng ô tô của nước này đạt gần 2 triệu chiếc, hơn hẳn các nước Bỉ, Anh, Italy, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại. Tin tức ô tô cho biết, hiện có 14 hãng xe đang đặt nhà máy tại Thái Lan. 

Malaysia nỗ lực xây thương hiệu ô tô nội địa

Malaysia nỗ lực xây thương hiệu ô tô nội địa với Proton và Perodua

Chọn hướng đi khác so với Thái Lan hay Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều nỗ lực xây dựng thương hiệu ô tô nội địa của mình. Nhắc đến Malaysia, người ta sẽ nhớ đến 2 hãng xe “Made in Malaysia” là Proton và Perodua. Cả 2 thương hiệu này đều là kết quả cho những nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp xe hơi hơn 30 năm qua của quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á. 

Trong khi đó, Việt Nam với VinFast được coi là niềm tự hào của đất nước hình chữ S và gây chú ý với truyền thông quốc tế trong từng hoạt động. Sự xuất hiện của VinFast tại Paris Motor Show 2018 vừa qua (2/10) được các chuyên gia đánh giá là bước phát triển thần kỳ, có 1-0-2 trong lịch sử ngành ô tô thế giới. Nhiều người còn tỏ ra trông chờ vào những mẫu xe VinFast có mặt chính thức trên thị trường ô tô không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. 

VinFast là thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam

VinFast là thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam gây tiếng vang lớn trên thế giới

Giữa xu hướng lắp ráp cho các hãng xe lớn trên thế giới, Malaysia và Việt Nam lại có hướng đi khác biệt, tạo nét riêng trong ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á.

Malaysia có đến 2 thương hiệu ô tô nội địa nhưng chưa thể “vụt sáng”

Mặc dù chưa thể đánh bại được ngôi vị của Thái Lan và Indonesia trong ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á, nhưng việc có riêng một thương hiệu ô tô nội địa cũng là điểm đáng ghi nhận của Malaysia và Việt Nam. 

Tuy vậy, xây dựng thương hiệu ô tô nội địa không chỉ là tạo một cái mác mà cần phải đưa sản phẩm vươn tầm thế giới. Điểm này chưa thực sự xuất hiện đối với 2 thương hiệu đến từ Malaysia. 

Proton biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Malaysia

Proton từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Malaysia

Proton vốn được coi là niềm tự hào của không chỉ Malaysia mà còn cả Đông Nam Á trong những ngày đầu ra mắt. Năm 1983 đánh dấu mốc vàng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô của quốc gia Hồi giáo này với việc Tập đoàn công nghiệp nặng Malaysia (HICOM) ký hợp tác với hãng Mitsubishi (Nhật Bản). 

Đến năm 1985, sản phẩm đầu tiên của Proton hợp tác với Mitsubishi cũng ra đời với tên gọi là Proton Saga. Đặc biệt, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Mahathir Mohamad đã “mở hàng” cho mẫu xe đầu tiên mang thương hiệu Proton. Tờ báo lớn nhất Malaysia thời điểm đó là New Straits Times đã đăng tải thông tin này cùng với dòng tít Proton – Biểu tượng của lòng tự tôn và cũng không quên trích lời của Thủ tướng “Điều này còn hơn cả một chiếc xe”.

Chính quyền của ông Mahathir Mohamad

Chính quyền của ông Mahathir Mohamad hỗ trợ rất lớn vào thành công của Proton

10 năm kể từ thời điểm ra mắt là quãng thời gian sáng chói của Proton khi có sự hỗ trợ mang tính bảo hộ của Chính phủ. Các chính sách thuế ưu đãi được đưa ra đều nhằm mục đích hậu thuẫn cho Proton áp đảo các công ty nước ngoài. Chính điều này đã tạo cho Proton sức hút mạnh mẽ với người dùng trong nước. Nhu cầu về một chiếc xe hơi mang chất lượng và công nghệ Nhật nhưng lại có giá hấp dẫn cao đến nỗi khách hàng phải chờ một thời gian dài mới sở hữu một chiếc Proton. 

Tuy nhiên, việc Malaysia gia nhập hiệp định thương mại tự do cùng với khủng hoảng tài chính châu Á đã báo hiệu cho điểm kết trong thời kỳ huy hoàng của Proton. Thương hiệu ô tô nội địa của người Mã sụt giảm doanh số nghiêm trọng, đồng thời hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, các đối thủ nước ngoài tràn vào đã đẩy Proton vào tình trạng khó khăn về tài chính. 

Proton gặp khó khăn về tài chính

Proton gặp khó khăn về tài chính, bán 49,9% cho Geely

Bất chấp việc vẫn nhận được những nguồn vốn từ chính phủ nhưng Proton cũng không thể vực dậy và buộc phải bán 49,9% cổ phần cho hãng xe Trung Quốc Geely hồi năm 2017.

Những khó khăn hiện tại cộng thêm gần nửa cổ phần rơi vào tay hãng xe quốc tế đồng nghĩa với việc Proton sớm muộn chỉ còn là quá khứ trong ngành công nghiệp ô tô Malaysia. Thế nhưng, người Mã vẫn còn một cái tên khác để tự hào là Perodua.

Tương tự như Proton, Perodua cũng hợp tác với hãng xe Nhật là Toyota để phát triển xe hơi. Perodua ra mắt vào năm 1992 và giới thiệu mẫu xe đầu tiên 2 năm sau đó. Hiện tại cổ phần của Toyota trong Perodua chiếm khoảng 35%, phần còn lại vẫn thuộc về các công ty Malaysia. 

Perodua chủ yếu sản xuất xe nhỏ dành cho đô thị và xe siêu nhỏ, nên không cạnh tranh trực tiếp với mẫu xe nào của Proton. Điều này đã tạo tiền đề giúp Perodua chiếm lĩnh thị phần với lượng khách hàng trung lưu lớn. 

Perodua

Perodua chỉ tập trung sản xuất xe nhỏ và siêu nhỏ

Proton gặp khó cộng thêm định hướng khách hàng vào phần đông người có thu nhập trung bình ở Malaysia đã giúp doanh số của Perodua tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thống kê năm 2016, Perodua đã bán được 207.100 xe, đánh dấu kỷ lục mới từ khi thành lập và chiếm 35,7% thị phần. Ngoài ra, mẫu Perodua Myvi cũng là chiếc xe bán chạy nhất tại Malaysia từ 2006-2013.

Nhìn chung, 2 thương hiệu ô tô nội địa của Malaysia cũng có những điểm sáng nhất định nhưng chưa đủ để vươn tầm thế giới. Proton có khoảng thời gian ngắn phát triển rực rỡ trước khi vụt tắt. Trong khi, những mẫu xe của Perodua chỉ mang thiết kế nhỏ và siêu nhỏ, không thể cạnh tranh với các hãng xe nước ngoài. 

Điểm sáng ngành ô tô Đông Nam Á đến từ Việt Nam

Trả lời phỏng vấn báo giới, CEO của VinFast, James DeLuca đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ không giẫm lên vết xe đổ của Proton. Họ chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu hay có sức mạnh như VinGroup.”

CEO VinFast, James DeLuca

CEO VinFast, James DeLuca chia sẻ về VinFast bên lề Paris Motor Show 2018

Trước đó, VinFast bước chân vào sân chơi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới sau sự kiện ra mắt tại Paris Motor Show đã khiến cho nhiều người thích thú. Bên cạnh những lời khen ngợi xoay quanh thiết kế xe, nhiều người cũng đặt VinFast và Proton lên bàn cân so sánh khi cả hai đều là thương hiệu ô tô nội địa của một quốc gia đến từ Đông Nam Á. 

Nhìn lại lịch sử hình thành của Proton, không tránh khỏi những nghi ngờ về việc VinFast có “sớm nở chóng tàn” như hãng xe đến từ Malaysia hay không. Tuy nhiên lời khẳng định trên cùng những nền tảng của VinGroup sẽ đưa VinFast phát triển theo một hướng đi khác biệt và tránh lối mòn của Proton. 

VinFast không dựa vào chính sách bảo hộ từ chính phủ như Proton và cũng không chia sẻ cổ phần với hãng xe ngoại như Perodua. Họ phát triển trên nền tảng công ty mẹ VinGroup. 

SUV VinFast LUX SA2.0 được đánh giá cao

SUV VinFast LUX SA2.0 được đánh giá cao trong các mẫu xe mới ra của Paris Motor Show 2018

VinGroup, tập đoàn đa ngành của Việt Nam có nét tương đồng với Hyundai của Hàn Quốc. Mặc dù Hyundai khá mạnh với các ngành ô tô, vận tải, xây dựng, bán dẫn và công nghiệp thép, nhưng VinGroup của Việt Nam có hệ sinh thái ngành đa dạng hơn hẳn. Công ty mẹ của VinFast đã sớm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bán lẻ, giải trí, ngành sản xuất, công nghệ, mới nhất là ô tô và sắp tới sẽ là thương hiệu điện thoại Vsmart.

Hơn nữa, việc VinFast sớm ra mắt 2 mẫu xe sedan và SUV đầu tiên tại một sự kiện ô tô lớn nhất thế giới như Paris Motor Show 2018 đủ để thấy sức mạnh của thương hiệu ô tô Việt so với Proton của người Mã. Điều đáng nói là, thời gian phát triển xe VinFast được các chuyên gia đánh giá cao khi chỉ mất chưa đến 1 năm để trình lành 2 mẫu xe hoàn chỉnh. 

Mặt khác, mọi hoạt động của VinFast từ khi công bố sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt cho đến sự kiện ra mắt đều gây chú ý không chỉ đối với người Việt mà còn cả cộng đồng quốc tế. Đồng thời, sức ảnh hưởng của VinFast cũng tạo sức ép lớn cho các hãng xe ngoại tại thị trường Việt Nam. 

Sự kiện ra mắt xe VinFast tại Paris Motor Show

Sự kiện ra mắt xe VinFast tại Paris Motor Show 2018 gây chú ý lớn

Như vậy, dù có mặt trên bản đồ ô tô thế giới chậm hơn so với Proton hay Perodua của Malaysia, nhưng VinFast của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công nhất định và vượt trội hơn hẳn. 

Chặng đường phía trước sẽ còn khá nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của VinFast và niềm tự tôn dân tộc của những người con đất Việt sẽ giúp VinFast sớm trở thành một biểu tượng trong ngành ô tô. 

Xem thêm:

Đánh giá
0 (0 đánh giá)
loading
 
×

Nhập mã xác nhận

Bạn đã submit quá nhiều lần,
Hãy nhập mã xác nhận để tiếp tục.

Mã xác nhận
loading